Linh Mục hải ngoại! Ông là ai?

Phạm quốc Việt

Hàng linh mục công giáo hải ngoại được chia ra làm 3 thành phần:

a. Thành phần cao niên b. Thành phần trẻ c. Thành phần du học trước năm 1975

A. Thành phần các linh mục cao niên:

1. Thành phần cao niên gồm các linh mục năm nay đã quá 60 tuổi, được đào tạo, huấn luyện và truyền chức cách đây từ 30 đến 50 năm. Những vị này di tản năm 1975 hay vượt biên vào những năm kế tiếp là những người đã tự ý từ bỏ nhiệm sở, bỏ lại giáo dân để chạy trốn Cộng Sản ra hải ngoại tị nạn chính trị. Khi sang đây, nhằm đúng lúc người tị nạn công giáo quá đông trở nên nhu cầu cần thiết cho các giáo phận nên các linh mục này đã được các Giám Mục địa phương nuôi dưỡng và cắt đặt công tác giúp giáo dân Việt Nam. Ða số những vị này hiện làm cha phó cho một giáo xứ Mỹ, đặc biệt là tại TB. California, hoặc được làm Cha Xứ hay Quản Nhiệm Cộng Ðoàn Công Giáo tại các Tiểu Bang khác.

2. Những vị linh mục cao niên vì đã thấm nhuần cái lối sống phong kiến ngày xưa nên tuy ra đến hải ngoại vẫn còn luyến tiếc cái thời kỳ vàng son, cái thời mà các Ngài được tâng bốc như những vị "vua con" làm chúa tể một cõi, có cái quyền hành "nọc" ông trùm ra giữa nhà thờ mà đánh đòn, mà xỉ vả chửi bới "thằng nọ, thằng kia". Các thời mà các Ngài bắt cả một hội hát gồm các thanh niên, thanh nữ trên dưới 20 tuổi, quỳ dưới cuối nhà thờ mà lấy roi đánh đập các em. Cái thời mà các Ngài được quyền ăn nói vung vít, lên tòa giảng, chửi người nọ, chỉ trích người kia đích danh, hoặc nói móc, nói bóng, nói gió xỏ xiên nhóm nọ nhóm kia. Các linh mục đã áp dụng loại thần quyền cực đoan, bất chấp những đổi mới của Cộng Ðồng Vatican thứ 2.

3. Ngày xưa các Ngài quen được trọng vọng, giáo dân từ đàng xa đã phải cúi rạp mình thưa :"Con xin phép lậy Cha ạ!" Thật sự thì một số giáo dân công giáo từ lâu đời được hướng dẫn dậy dỗ trong một hệ thống do các linh mục thừa sai để lại từ thời Thực Dân Phong Kiến, nên ít hiểu đạo lý một cách sâu đậm, mà chỉ theo đạo từ đời nay truyền qua đời khác. Cộng thêm với lễ nghĩa nho giáo đã quá khún núm mà tâng bốc quá mức chức vị linh mục để tạo cho các linh mục này một cái ảo tưởng "làm Chúa", bây giờ đã in đậm vào đầu các Ngài rồi. Những vị linh mục sang đây rất vui mừng sung sướng gặp lại một số các giáo dân thủ cựu như vậy để có thể vẫn được "làm Cha" thiên hạ như vậy.

4. Nay các Ngài tuy làm phó xứ để coi sóc con chiên Việt Nam, nhưng vì ngôn ngữ bất đồng, các Giám Mục hay cha xứ Mỹ có hiểu mô tê gì về các hoạt động Công Giáo Việt Nam. Họ chỉ thấy giáo dân người Việt thỉnh thoảng cờ xí ngợp trời, rước kiệu đọc kinh om xòm, và các ngày Chúa Nhật nhà thờ chật ních thu được nhiều tiền là hài lòng rồi. Họ chỉ biết đến sinh hoạt của giáo dân Việt Nam qua báo cáo "hươu vượn" của các linh mục Việt-Nam mà thôi.

5. Phải công tâm mà nói thì đa số giáo dân Việt Nam vẫn còn sùng đạo và có đầy lòng bác ái. Nếu họ cảm thấy có nhu cầu cần giúp đỡ thì họ hăng say dâng cúng giúp đỡ ngay. Hàng tuần họ dâng tiền để "xin lễ". Có những tuần cả một danh sách dài đến 50 người xin lễ. Mỗi lễ trên dưới $10.00, chưa kể đến những lễ đặc biệt như cưới hỏi, lễ giỗ hay ma chay có thể lên đến 100 hay 200 đôla 1 lễ.

6. Bổng lộc như thế thì các Ngài không thích và ích kỷ giữ riêng cho mình sao được. Khi đã quá ham mê tiền bạc thế gian thì các Ngài không muốn chia xẻ cho những đồng nghiệp, những linh mục đang khổ sở quê nhà, những trung tâm truyền giáo cho người sắc tộc thiểu số, thiếu mọi phương tiện tối thiểu, ở các vùng Cao Nguyên; các Tu hội cần giáo dân giúp đỡ tài chánh để đem về nuôi dưỡng các tu, tập viện, đào tạo chủng sinh mà hiện nay khẩu phần hàng ngày của các cha, các thầy chưa được 50 cents. Trong khi các linh mục ở đây thì giầu sụ, ngoài tiền lương hàng tháng, họ còn được hưởng tiền lễ và biếu xén của giáo dân dâng cúng. Có cha đi xe Lexus đời 2000 giá hơn $60,000.00. Nhiều Cha đã mua nhà riêng để về hưu.

7. Trớ trêu thay là các Ngài đã trắng trợn nói thẳng với các linh mục từ Việt Nam sang là "Có làm lễ giùm thì làm chứ đừng có kêu gọi giáo dân đóng góp!". Trong khi đó thì giáo dân luôn luôn sẵn sàng có lòng vị tha quảng đại. Các nhà thờ nào cho phép, thì chỉ trong một lễ Chúa Nhật thôi giáo dân cũng dâng tặng cả 4 hay 5 ngàn đôla cho công việc truyền giáo. Thế nhưng, nếu các linh mục từ Việt Nam sang mà lại là bạn cũ hay người thân thì các cha trụ trì nhà thờ không những OK mà còn cổ động nữa chứ. Ô kìa con cái Ðức Chúa Trời, cùng đi tu mà cũng có phe đảng, con ông cháu cha à? Sự thật đau buồn là các vị tu hành nhiều khi cũng bị đồng tiền là mờ mắt. Ở trên tòa giảng quý Cha khuyên giáo dân nên sống bác ái vị tha, xuống tòa giảng các linh mục có tự vấn lương tâm mình xem có sống bác ái thương yêu anh em đồng loại chưa.

8. Chả nói đâu xa, trước đây có cái quỹ Yểm Trợ Giáo Hội Việt Nam, thì trong 400 linh mục ở nước Mỹ này chỉ có 2 linh mục là đóng tiền giúp Giáo Hội Việt Nam, còn 398 vị kia thì hình như là thuộc về Giáo Hội Mỹ không biết Gíao Hội Việt Nam là gì cả. Rồi đến những vụ quyên góp cứu lụt miền Trung mới đây nữa, chỉ thấy các linh mục hô hào giáo dân đóng góp nhưng chả thấy linh mục nào đóng góp lấy một đồng xu teeng. Hình như các Ngài nghĩ rằng đi tu thì không còn người Việt Nam nữa thì phải.

B. Thành phần linh mục trẻ:

1. Nói đến tuổi trẻ là người ta nghĩ ngay đến những con người hăng say đầy nhiệt huyết để làm việc. Nhưng đã là tuổi trẻ thì cũng có những rắc rối của tuổi trẻ nhất là tuổi trẻ đã bị giáo dân đưa lên mây xanh, "hủ hóa" vì ảo tưởng "làm Cha làm Chúa" thì cũng đi vào vết xe của những vị linh mục lão thành mà thôi. Khổ một nỗi là cái danh xưng bằng tiếng Việt (Cha và Con thay vì Cha và Tôi hay Linh Mục và Tôi) nó đưa đến hiểu lầm về ngôi vị gia đình thế gian hơn tiếng Pháp (Père et Moi) hay tiếng Mỹ (Father and Me). Các linh mục trẻ sinh sống tại Mỹ từ ấu thơ đã bị cái lọ thần "melting pot" của nước Mỹ này nó "làm việc" rồi nên đã gần như quên hết mất lễ giáo phong tục Việt Nam, quên cả những phép lịch sự tối thiểu dành cho một con người. Họ những tưởng đã trở thành các linh mục Mỹ, tóc vàng, mũi cao mà quên hết người quen và xa lánh Cộng Ðoàn người Việt ư. Nếu các linh mục trẻ này còn mộng tưởng có thể trút bỏ cái vẻ da vàng mũi tẹt, thì nhầm to, vì sẽ có một ngày sự thật kỳ thị phũ phàng sẽ đến với họ.

2. Ðặc biệt là khi các linh mục trẻ này hồi còn làm thầy, còn là chủng sinh thì họ liên lạc mật thiết với giáo dân lắm. Họ thường đến nhà chia xẻ những bữa cơm đơn sơ, những bát bún thịt nướng, bùn bò giò heo hay tô phở tái một cách thật tự nhiên. Ấy thế mà khi đến chức "Cha" rồi thì họ quên hết. Ngay cả đến tên tuổi cũng không còn nhớ thì nói gì đến "đường đi lối về." Chả hiểu thiên chức linh mục nó linh thiêng đến mức nào mà làm họ mất hết trí nhớ nhanh đến thế nhỉ. Có nhiều giả thuyết: ăn hamburgers, hot dogs nhiều quá? Luật của các tu viện Mỹ bắt chủng sinh quên nguồn gốc? Hay bề trên người Mỹ cấm đoán và bắt xa lánh với cộng đồng mình?

3. Một vài linh mục trẻ theo đà tự do quá trớn, ăn uống nhậu nhẹt say sưa, "thi" uống rượu, uống bia, trong các đám cưới hỏi, rồi còn níu kéo, ôm đàn bà con gái ra sàn nhẩy đầm vung vít ra cái điều ta đây phóng khoáng chịu chơi, mất hết thể diện linh mục. Họ sẽ còn bị vui thú thế gian quyến rũ nhiều nữa. Hết ăn nhậu say sưa rồi có thể đến ái tình vụng trộm vì cái tính quá trớn. Mấy linh mục này không chóng thì chầy cũng nhẩy rào mà thôi. Mà nếu cảm thấy không tu được nữa thì nên "xuất" càng sớm càng tốt, đễ đỡ "hại cơm nhà Ðức Chúa Lời!"

4. Các linh mục trẻ cứ cái đà này thì cũng đến mất gốc mà thôi. Vong bản thì sẽ đến vong quốc, và vong ân thì sẽ đến vong thân mà thôi. Nếu được trụ trì tại các nhà thờ có quá đông giáo dân Việt Nam quá thủ cựu thì dần dà lại nối tiếp cái nghiệp của các linh mục già mà thôi. Tuổi trẻ mà chóng quên đi nguồn gốc thì cũng bằng vất đi, dù người đó làm đến cứ chức vụ gì.

C. Thành phần du học trước năm 1975:

1. Một nhóm linh mục thứ ba tuy ít ỏi, nhưng thiết tưởng cũng nên nhắc tới là thành phần du học trước năm 1975, đa số tại Âu Châu nhất là tại Pháp quốc. Nhóm này bị tiêm nhiễm bởi tư tưởng xã gội chủ nghĩa của nhiều giáo sư trong các trường Ðại Học Âu Tây và nhất là bị nhồi sọ bơiû giới truyền thông phản chiến và nhất là nhóm "Việt Kiều Yêu Nước" mặt nạ của nhóm Cộng Sản nằm vùng, nên đã về phe Cộng Sản đâm sau lưng người Việt Quốc Gia trong thời gian Chiến Tranh Việt-Nam. Một số sau giải phóng đã về Việt Nam trở thành lọai Linh Mục Quốc Doanh làm việc cho chúng trong cái Ủy Ban gọi là Ðoàn Kết gì đó.

2. Một nhóm khác vì thấy mình bị lừa nên đã chìm vào bóng tối, ăn năn hối lỗi bằng cách viết báo kể tội Cộng Sản. Nhưng thật ra thì đã quá trễ, Cộng Sản Việt Nam sợ gì những bài báo lẻ tẻ như muối bỏ bể đó. Cộng Sản trước đây đã lợi dụng nhóm này để làm lợi khí tuyên truyền, nay chúng cướp được chính quyền rồi, thì chúng coi những người này chỉ là một loại cán bộ 30 tháng 4, là đồ bỏ... vào sọt rác như là những múi chanh mà chúng đã vắt hết nước.

3. Một số người khác thì vận động dân chủ, đa đảng, đa nguyên ở Việt Nam. Tất cả chỉ là trò cười vì chúng dại gì mất cái mồi béo bở và nhất là mất cái đầu. Chủ nghĩa cộng sản từ nguyên thủy đã là cái trò bịp bợm để khuấy động lên cái lòng ghen tức của giới thợ thuyền đối với giai cấp chủ nhân, rồi lợi dụng sự thù oán đó mà nắm chính quyền mà thôi.

Trên đây là những nhận xét thiết thực của một người công giáo chân chính về giới linh mục Việt Nam ở hải ngoại. Một sự thật đau lòng và đáng buồn mà từ trước đến nay nhiều người muốn nói nhưng không có dịp để nói lên. Sự nói lên này là một sự chẳng đặng đừng phải khui ra cái hũ mắm không mấy thơm tho này. Giới trẻ công giáo Việt Nam càng ngày càng xa lánh nhà thờ, bỏ đạo nghĩa vì không tìm thấy những vị lãnh đão chân chính mà chỉ tìm thấy những ung nhọt của giới lãnh đạo tinh thần ngày nay:

  • Các linh mục vẫn còn giữ cái hủ tục phong kiến hồi trước mà đem ra áp dụng tại nước Mỹ văn minh này sẽ không bao giờ thành công.
  • Các linh mục trẻ quên hết cả lễ nghĩa phong tục của người Việt Nam và đã trở thành một loại linh mục lai căng mất gốc.
  • Các vị lãnh đạo tinh thần mà vẫn còn muốn khôn ngoan, toan tính mánh mung kiểu thế gian tà ma, đi hàng hai với cả kẻ thù để mưu lợi ích riêng tư, thích tranh giành quyền bính, ham muốn tiền bạc quá lẽ và mất gốc thì nên cởi áo linh mục ra, "giã từ chén thánh", về ngoài đời lấy vợ cho xong.
  • Các linh mục mà vẫn còn khăng khăng giữ cái túi tiền, cấm đóan không cho giáo dân chia xẻ với những người cần thiết tại Việt Nam theo đúng tinh thần bác ái thì không đáng mang danh là một người KiTô hữu chứ đừng nói mang danh là một linh mục công giáo.

Nói vậy cũng không có nghĩa là vơ đũa cả nắm, vì vẫn còn nhiều linh trẻ cũng như già sống đời sống bác ái và thánh thiện có tinh thần lễ giáo và yêu mến quê hương, luôn luôn làm gương và hướng dẫn đàn chiên lạc xứ ở hải ngoại này một cách hữu hiệu và tích cực.

Phạm Quốc Việt