Học giả đương thời thách thức và phản kháng những chi tiết liên quan đến sinh nhật của Chúa Giêsu.

Bài báo do tờ Washington Post đăng lên ngày 22 tháng 12 năm 2001 dưới nhan đề là "Modern scholars challenge details of Jesus' birth"

Không ngại ngùng bị gán cho cái tên là "Kẻ ăn trộm thành Belem", Bà Paula Fredriksen, một giáo sư của trường Ðại Học Boston, chuyên khảo cứu về Thiên Chúa Giáo từ thuở mới thành lập, tuyên bố thẳng thừng là

"Jesus sinh ra tại Nazareth chứ không phải tại Betlehem như bài hát đạo mừng Giáng Sinh mà chúng ta đã từng nghe từ trước đến nay. Tôi không thấy một học giả nào coi kinh thánh viết về chỗ sinh hạ của Jesus là đáng tin tưởng cả, mọi người đều tin là Jesus sinh ra tại Nazareth"

Ðó là một trong những khám phá mới để chống lại với truyền thuyết của thánh Matthew và thánh Luca. Chúa Giêsu không được sinh ra tại một hang lừa nhưng sinh ra trên sàn đất trong nhà của một người bà con. Ba vua ngày xưa chỉ được chế tạo ra như các thầy phù thuỷ để mà chọc cười chứ không phải là vua hay các nhà khoa học nào cả. Và những nhà viết sử thời trước tạo ra truyền thuyết Ðức Mẹ đồng trinh để đối lại với chuyện dã sử mà người Rôma đã dựng chuyện tương tự cho vua Caesar Augustus của họ.

Những kết luận như vậy là do các nhà khảo cứu thời đại đã nghiên cứu sách vở Hy lạp và tiếng Do Thái cổ, và dùng máy vi tính để so sánh và phiên dịch các ngôn ngữ, cũng như theo dõi cả về khảo cổ học cả một thế kỷ qua.

Có những người chỉ trích những học giả bây giờ là cố ý phá đạo Thiên Chúa Giáo và cố ý tách rời Thần Học ra khỏi Kinh Thánh. Các học giả thì phản lại rằng họ chỉ muốn tìm hiểu sự thật rõ ràng về đời sống của Chúa Giêsu và cộng đồng Thiên Chúa Giáo lúc mới thành lập.

Giáo sư Fredriksen nói thêm là "Những tin tưởng cổ truyền vào kinh thánh đã in sâu một cách bất di bất dịch vào đầu óc và tâm khảm của người Kitô giáo đến nỗi chỉ cần thắc mắc về những đoạn khó hiểu trong Kinh Thánh là đã tạo nên một sự khó chịu, như bị xúc phạm làm chấn động và gây cảm xúc tâm linh rồi. "

Bà nói thêm "Trong 19 thế kỷ qua, chúng ta được nghe và nghiền ngẫm nhiều truyền thuyết để cô đọng lại thành một". Những câu chuyện của các thánh sử Matthew và Luca nhiều khi trái ngược chống chọi nhau và cũng có nhiều khi bổ túc cho nhau.

Các học giả ngày nay cho rằng có nhiều sai biệt giữa câu chuyện viết bởi 2 thánh sử này và tin tưởng rằng Chúa Giêsu sinh ra tại Nazareth chứ không tại Bethlehem.

Thứ nhất là ai cũng nói là Giêsu Nazareth chứ không ai nghe nói là Giêsu thành Bethlehem hay Giêsu thành Capernaum cả, cũng như người ta luôn luôn nói rằng vị viết ra sách Acts là Paul of Tarsus gọi như thế vì ông này sinh ra tại Tarsus.

Thứ hai là các người viết thánh sử đều viết khoảng nửa thế kỷ sau ngày Chúa Giêsu chết. Do đó, một là họ không biết gì về chi tiết lịch sử hai là có lẽ họ chỉ dựa vào lời tiên tri Micah trong các sách Do Thái để lại, tiên đoán là Ðấng Thiên Sai sẽ sinh ra tại Bethlehem, để đặt câu chuyện cho hợp với lời tiên tri hầu nuôi dưỡng lòng tin cho cộng đồng Kitô giáo lúc thiếu thời. Luca kể về chuyện Maria và Giuse di chuyển từ Nazareth đến Bethlehem theo lệnh bắt buộc tổng kiểm tra dân số của người Rôma. Trong khi đó thì Matthew kể tất cả câu chuyện bắt nguồn từ Bethlehem y như là Bethlehem là quê hương xứ sở chính thực của Maria và Giuse và chỉ nhắc đến Nazareth vào đoạn chót mà thôi.

Ða số các học giả đều đoan chắc rằng Chúa Giêsu sinh ra vào khoảng năm thứ 4 trước Tây Lịch (4-BC), trong khi Luca đã thực sự sai lầm kể chuyện Chúa Giêsu sinh ra vào năm thứ 6 sau Tây Lịch (6-AD).

Amy-Gill Levine , giáo sư chuyên về Tân Ước của trường Ðại Học Vanderbilt phân khoa Thần Học nói rằng: "Người ta thương hay quên đi khía cạnh khôi hài của thánh sử Mathhew khi nói rằng ngôi sao trên trời chạy dời chỗ làm một đường dài, trong khi các thiên văn gia thời đại vẫn còn bàn cãi xem đêm hôm đó có phải sao chổi, hay là các hành tinh nối đuôi nhau."

Giáo sư Mark Allen Powell, Giáo sư về môn Tân Ước thuộc trường Ðại Học Trinity Lutheran tại Columbus, Ohio, tác giả cuốn sách nhan đề "Theo đuổi ngôi sao từ phương Ðông" (Chasing The Easter-Star), bàn cãi rằng: "Còn việc ba vua thì thật ra các thánh sử muốn viết ra để tả những nhà thiên văn theo dõi các sao trên trời như các nhà phù thủy để tìm cách chế riễu mà thôi."

"Còn vụ sinh con mà còn đồng trinh là chắc chắn thời đó Luca và Matthew dùng nó để mà đối lại với câu chuyện kể mà người Rôma nhận là hoàng đế của họ là Caesar Augustus cũng được đầu thai bởi thần Apollo qua một người đàn bà." - Giáo sư John Dominic Crossan của trường Ðại Học Depaul và tác giả của nhiều cuốn sách viết về Chúa Giêsu đã nói như vậy.

Thời đó các thần dân của vua Caesar đều ca tụng Caesar như là Ðấng Cứu Nhân Ðộ Thế, Ông Chủ và Con Chúa Trời.

Trong thế kỷ thứ nhất một số tín đồ Kitô (Giáo sư Crossan gọi là một thiểu số người Do Thái) đã lấy câu chuyện huyền thoại của Caesar dùng các danh hiệu Vua Chúa và sự đầu thai nhiệm mầu để áp dụng vào Chúa Giêsu hầu đối lại người Rôma cố ý nói lên là :"Chủ của các ông không phải chủ của chúng tôi, con Chúa Trời của các ông không phải con Chúa Trời của chúng tôi, và bình an của các ông không phải bình an của chúng tôi".

Các học giả thêm rằng Chúa Giêsu đã chứng tỏ rằng tuy sinh ra trong một hoàn cảnh nghèo hèn, xa hẳn nơi quyền thế cao sang của một chính quyền hà hiếp dân, nhưng đã có thể thay đổi bộ mặt thế giới. Ðó là cái nguyên lý chủ đề giúp đỡ người yếu thế nghèo hèn trong các kinh sách của Do Thái. Và câu chuyện Giuse chấp nhận nuôi một đứa trẻ không phải là con mình đã trở thành mô hình mẫu mực suy tư của xã hội ngày nay về những đứa trẻ không cha.

Ông Marcus Borg, giáo sư Tôn Giáo học và Văn Hóa tại trường Ðại Học Oregon và là tác giả của cuốn sách "Gặp gỡ Giêsu trở lại trong lần đầu tiên" (Meeting Jesus Again for the first time) và nhiều tác phẩm khác liên hệ đến Thánh Kinh đã nói rằng:

" Sự thật về những câu chuyện này không dựa vào sự kiện lịch sử . Trái lại sự thật nằm ở khía cạnh sử dụng những huyền thuyết như là những hình ảnh tượng trưng cho một nguồn ánh sáng trong đêm tối, bừng tỉnh dậy lúc hừng sáng. Nhiều bản thánh ca nói về sinh nhật của Chúa Kitô trong chính chúng ta, như sự xuất hiện của một nguồn sống mang ánh sáng và thức tỉnh đến cho mọi người chúng ta. Tuy Lễ Sinh Nhật nhắc nhở đến quá khứ, nhưng mục đích chính là nói lên một cái gì đang xẩy ra trong hiện tại và mãi mãi về sau."

Phạm Quốc Việt trích dịch